You are on page 1of 4

20 năm thảm họa Hillsborough

TTO - Ngày 15-4-1989 sẽ mãi luôn hằn sâu trong tâm trí những người yêu bóng đá ở xứ sở
sương mù như một vết nhơ không thể gột rửa. Ở sân bóng mang tên Hillsborough, sân
nhà của CLB Sheffield Wednesday, trong trận bán kết Cúp FA giữa Liverpool và
Nottingham Forest, 94 CĐV đã thiệt mạng.

Số CĐV quá lớn dồn vào sân để chứng kiến trận thư hùng giữa Liverpool và Nottingham Forest
(vốn là một thế lực cực mạnh của bóng đá Anh thập niên 1990) đã khiến các nhân viên phụ trách
an ninh không thể kiểm soát.

Nhiều CĐV đã bị ép đến chết như thế này...

Vào thời đó, hầu hết SVĐ ở nước Anh đều có một hàng rào thép gai ngăn cách khán đài và sân
bóng. Khi những khán giả đến muộn nôn nóng tràn vào sân, họ không biết rằng đã dồn những
người vào trước đến sát hàng rào. Nhiều người đã chết ngạt trước sức ép kinh khủng đó.

Trên sân các cầu thủ vẫn thi đấu. Trên khán đài những CĐV tìm đường sống bằng cách trèo qua
hàng rào và trước sức ép của số đông người hoảng loạn, hàng rào đổ sụp. Hàng ngàn người
tràn vào sân được cứu sống, nhưng đã có 94 người chết ngay thời điểm đó.

Bốn ngày sau con số thương vong là 95, khi một cậu bé 14 tuổi qua đời. Bốn năm sau nữa, một
CĐV sống đời thực vật sau thảm họa trên đã chết trên giường bệnh, nâng con số người chết lên
thành 96.
Một số thoát chết nhờ trèo lên tầng trên của khán đài

Sân Hillsborough lúc ấy đầy những người bị thương và hấp hối, có tất cả 766 người bị thương,
300 người trong số đó chỉ biết mình còn sống khi được cấp cứu ở bệnh viện.

Đã không có bất kỳ một bản án hình sự nào được đưa ra sau thảm họa đó. Trưởng ban an ninh
trận đấu và người phó của ông ta thoát tội sau nhiều lần hầu tòa. Nhưng từ năm 1989, hàng rào
ngăn cách sân bóng ở tất cả các giải đấu nước Anh bị dỡ bỏ, các khán đài phải trang bị ghế
ngồi.

Dưới sân là cảnh tượng hỗn loạn với rất nhiều người chết và bị thương
Trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 13-4-2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng những
người đã mất sẽ vẫn được nhớ mãi trong lòng những fan hâm mộ bóng đá chân chính, và cái
chết của họ đã làm thay đổi cái nhìn về bóng đá ở Anh, giúp nó gần gũi hơn với người dân.

Tiền vệ Steven Gerrard của CLB Liverpool sẽ không quên ngày 15-4, vì Jon-Paul Gihooley, một
người cậu của anh, đã mất trong thảm họa đó. Những danh thủ một thời của bóng đá Anh tham
gia trong trận đấu trên như Kenny Dalglish, John Aldridge và Bruce Grobbelaar đều cho rằng họ
đã bị sốc trong một thời gian dài khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên.

96 người đã mất nhưng họ sống mãi trong lòng những CĐV bóng đá chân chính

Cứ đến ngày 15-4 hằng năm, một góc sân Anfield ở thành phố Liverpool tràn ngập hoa và nến
với rất nhiều thân nhân tưởng niệm 96 người đã khuất.

Ở vòng 31 Premier League (diễn ra ngày 12-4-2009), tất cả các cầu thủ và HLV ra sân với dải
băng đen trên cánh tay để tưởng niệm những nạn nhân xấu số. Ngày 15-4, trên SVĐ Anfield
thành phố Liverpool đã diễn ra buổi meeting với sự tham gia của hơn 25.000 người, tưởng niệm
những nạn nhân trong thảm họa trên.
Những giọt nước mắt trong buổi meeting

Cuộc meeting có sự tham dự của bộ trưởng văn hóa truyền thông và thể thao Andy Burnham,
toàn bộ cầu thủ Liverpool và HLV Benitez, 2 bình luận viên nổi tiếng là Alan Hansen và Mark
Lawrenson…

NHẬT ANH (Theo Daily Mail, BBC)

You might also like