You are on page 1of 12

NGUYỄN SINH DUY

Albert Sallet là một khuôn mặt độc đáo trong số


các nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp tại xứ
“Trung Kỳ”. Từ năm 1860 cho đến những năm cuối
thế kỉ 19, nền văn chương xấu xa của những ngòi bút
thực dân ít nhiều có quan hệ đến nghề chinh phục ăn
cướp đã phải nhường chỗ cho một thế hệ nhà văn
của kỉ nguyên bình định. Đó là kỉ nguyên của sự du
thám và thích nghi với xã hội thuộc địa, khám phá
những chân trời mới cho văn học, một thành công
nghề nghiệp học thuật với tất cả ý nghĩa nghiêm túc
và tri thức của nó.
A.Sallet sinh ngày 17/9/1879 tại La Souterraine, một làng
quê thuộc vùng Creuse Trung bộ nước Pháp. Năm 20 tuổi
(1900), ông tốt nghiệp “Trường chăm sóc sức khỏe ngành Hải
quân và Thuộc địa” ở tỉnh Bordeaux. Năm 1903, được điều sang
Đông Dương với chức năng “Y sĩ các binh đoàn thuộc địa tại xứ
Trung Kỳ”.

Dường như số mệnh qui định cuộc đời ông gắn liền với các
sắc dân thiểu số, trong đó người Chàm là chủ yếu.

Tại xứ "Trung Kỳ", A.Sallet đã hoàn thành một phúc phần


tràn ngập kinh nghiệm khoa học, nhân bản và chan hòa văn
hóa. Nhờ sự thâm nhập và tự đào luyện những ngôn ngữ dân
gian bản địa, ông dấn thân nghiên cứu khá sâu sắc tín ngưỡng,
cũng như tập tục của các sắc dân khác nhau trải dài trên lãnh
thổ xứ “Trung Kỳ”.

Cứ tưởng tượng rằng những năm đầu thế kỉ 20, toàn xứ


“Trung Kỳ” vừa trải qua cuộc kháng chiến anh dũng nhưng
không cân sức của phong trào Cần Vương, một y sĩ trẻ tuổi
người nước ngoài đầy can đảm, rất yêu nghề và lòng tràn ngập
khát vọng khám phá những chân trời mới, “những chuyến đi về
các làng mạc, len lỏi vào các mái tranh hẻo lánh xa xôi, mang
theo thuốc kí ninh (quinine), thuốc chủng đậu mùa và chống
dịch tả, thuốc chống nôn mửa thổ tả cùng những biến chứng
nguy hiểm của bệnh lí, thuốc trị sưng gan, những chất hoá học
cực mạnh để trị ghẻ chốc...”, nên nói rằng đó là sự lưu đày hay
một phúc phần đã dành cho A.Sallet?

Năm 1913, cùng với nhà học giả linh mục Léopold Cadière,
A.Sallet là sáng lập viên Hội những người bạn của Huế xưa
(Association des Amis du Vieux Hué), một hội qui tụ những
người thông thái trong hàng các viên chức ưu tú Pháp và Nam
triều nhằm mục đích bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật
thể của xứ “Trung Kỳ” xưa, đặc biệt của cố đô Huế.

Ông là thư kí đầu tiên của Hội ngay từ ngày thành lập năm
1913. Tính nhạy cảm nghệ thuật của quân - y sĩ thượng hạng
A.Sallet dẫn dắt ông thâm nhập vào lịch sử và nghệ thuật
Chàm; sự đóng góp của ông trong công tác khám phá và bảo
tồn những phế tích của cổ vương quốc Ấn Độ hoá là đất nước
Chăm pa thật rất quan trọng.

Trong một sách có tên là Xứ Trung Kỳ, công bố trong dịp


triển lãm trưng bày về thuộc địa tổ chức tại Paris năm 1931,
A.Sallet là người đầu tiên nói đến “những nguồn vốn phong phú
về du lịch trong xứ Trung Kỳ” bằng một bút pháp của nhà khảo
cổ học, nhà dân tộc học và một sử gia.

Ông mô tả đặc biệt thung lũng các vua thánh của quần thể
phế tích Chăm ở Mỹ Sơn. Ông viết:

“Duyên do sùng đạo khắc khổ nào khiến người Chăm tuân
thủ để xây dựng thánh địa của họ trong cái cô quạnh dường
như đầy sự kinh hoàng trong ngột ngạt của núi non trùng trùng
bao bọc. . .”

Những năm đầu giữ chức thư kí “Hội những người bạn của
Huế xưa”, ông cộng tác với thượng thư Nguyễn Đình Hòe và các
quan lại Nam triều khác để thống kê những di tích vật chất và
phi vật chất nằm trong lòng và ngoại vi cố đô Huế đăng tải trên
tập san của Hội này.

Có một thời gian A.Sallet lưu trú tại Phan Thiết và Bình
Thuận. Năm 1924, ông thông báo với giới nghiên cứu khảo cổ:
trong làng Thạch Tôn (Phú Yên) có một cây cột chạm trổ tỉ mỉ
một hình tượng thần Shiva, cùng tượng của nhiều phế tích đổ
nát của tháp gạch trong làng Yên Sương.

Cùng làm việc với Henri Parmentier, giám đốc chương trình
khảo cổ của trường Viễn Đông bác cổ Pháp, A.Sallet tìm hiểu
các phế tích Chăm và tiền Khơ me (Prékhmer); ông từng thương
lượng với dân làng để có được hình tượng Visnu từ lâu vốn được
gìn giữ trong một ngôi chùa ở Tuy Hòa để sau đó đưa tượng vào
nhà bảo tàng.

Nắm trong tay một kì thư của Trung Quốc viết từ thế kỉ 14 -
cuốn Đảo di chí lược (Tao Vi Tche Lio) của Uông Đại Uyên
(Wang Ta Yuan), A.Sallet điều tra nghiên cứu những hiện tượng
“Ma lai rút ruột” cũng như những bí thuật của người Chăm về
phép trừ tà, ếm ma quỉ, luyện bùa ngải... tất cả những ma thuật
ấy ông cất công kí họa trong 600 bản vẽ tô màu nước, về sau
được trưng bày trong một phòng riêng tại bảo tàng Georges
Labit miền Nam nước Pháp.

Chính do những nỗ lực tìm kiếm nghiên cứu trên đây, năm
1919, ông được cử làm thông tín viên đại diện cho trường Viễn
Đông bác cổ Pháp đặt tại Hà Nội.

Mục tin tức thời sự của kỉ yếu trường này gây được tiếng
vang do những đóng góp của ông bằng thông tin và cả bằng
hiện vật, như một tượng Phật nhỏ bằng đồng trong dáng trầm
tư, một thanh đá xanh chàm mặt nhẵn cùng nhiều tác phẩm
điêu khắc mỹ thuật của phế tích Trà Kiệu.

Là quân y sĩ thượng hạng, A.Sallet không chỉ say mê các


môn khảo cổ học, dân tộc học là những lĩnh vực hoàn toàn xa lạ
với nghề nghiệp chuyên môn của mình, ông còn là nhà thực vật
học, dược liệu học với những công trình sáng giá điều tra cây
thuốc các miền thuộc xứ “Trung Kỳ”; ông điều tra từ những
nguồn suối nước khoáng đến những loại dược thảo như cây mã
đề, hà thủ ô..., từ tổ chim yến đến tục nhuộm răng đen của
người “An Nam”; ông khảo cứu từ phương ngôn ngạn ngữ An
Nam đến phương thuốc chữa bệnh bằng những con cua hóa
thạch.

Nhưng những công trình dài hơi nghiên cứu có chiều sâu
tâm huyết hơn cả, chính là những tác phẩm biên khảo của
A.Sallet trên đất Quảng Nam. Một cách nói khác, với các thiên
nghiên cứu: Lưu dấu Chàm trong truyền thống dân gian và tín
ngưỡng của người An Nam tại Quảng Nam, Hội An xưa, Núi Bà
Nà, Yến sào và tổ của chúng... có thể nói rằng A.Sallet là nhà
Quảng Nam dân tộc học cũng không ngoa.

Thật vậy, với thời gian lưu trú khá lâu trên đất Quảng Nam,
ông đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm với những di tích, đời
sống dân gian của mảnh đất này. Viết về những núi đá cẩm
thạch Ngũ Hành Sơn, ngòi bút ông khai quật cả một ẩn chứa
tâm linh phi vật chất của danh sơn:

“Truyền thuyết về Ngũ Hành Sơn thì nhiều và lịch sử khá


dông dài. Nếu người ta thêm đó là tất cả một truyền thống
phong kín, cả việc chúng giữ gìn, duy trì tất cả tín ngưỡng thờ
cúng của Trung Kỳ xưa, bảo đảm cho vương quốc, rồi thì tất cả
cái thế giới núi đá này dường như tự biểu hiện là linh hồn của xứ
sở.

“Vâng, đó là những nơi chốn tôn kính, đặc biệt ngoạn mục,
và vì lý do lịch sử, sự quan trọng và ảnh hưởng của chúng, một
chút ít đá cẩm thạch khai thác mang lại cùng nhiều nguồn lợi
linh tinh khác, nhất là vì tâm hồn người An Nam dường như bắt
nguồn từ đó những bước đi trong cuộc đời... Như thế, những
cụm núi này cần được biết đến nhiều hơn (t.21-22) (1).

Sự mẫn cảm tinh tế khiến ông quyện chặt nỗi lòng đối với
một nền văn minh cổ kính từng có thời lập quốc trên đất Quảng
Nam:

“Thế kỷ XV đi qua như trận bão trên khắp một vùng, và cả


một dân tộc bị đẩy xuống phía nam bằng sức ép cùng cực đến
huỷ diệt.

Đất Quảng Nam, nơi ghi dấu tất cả phế tích rải rác của nền
văn minh cổ kính, vẫn tồn tại như là đất Chàm đặc thù nhất.
Những nơi tôi xúc tiến thiên nghiên cứu này, là nguồn tư liệu
thu nhập được trong những ngày lưu lại ở Đà Nẵng qua bốn
năm lặn lội sưu tầm trong tỉnh Quảng Nam [...]

Bởi chưng lịch sử tự nó sẽ soi sáng dần, truyền thuyết tự nó


phai mờ dần, trong khi mổ xẻ lý luận chúng, thì đồng thời
những tín ngưỡng thuần cảm tính cũng nhạt nhòa dần, và các
lưu dấu Chàm rất có thể không còn tồn tại gì khác hơn là những
phiến đá cùng những di chỉ đỏ chói gạch vụn tan tành, tiêu ma
dần dần. Thần linh và ma quỉ, những ám ảnh không còn làm
kinh hãi: các đền đài, mộ tháp sẽ được duy trì, giữ gìn (2).

Với Bà Nà, A.Sallet điều tra nghiên cứu từng độ cao của núi,
sinh sống những loài thực vật gì, động vật nào một cách tỉ mỉ
đầy kinh nghiệm của một nhà tự nhiên học. Đến như mô tả
phong cảnh Bà Nà và tầm phóng mắt của nó, ngòi bút A.Sallet
thật sự sinh động đầy mỹ cảm của một nhà văn.

“Toàn cảnh phía đông trải dài trong một vẻ đẹp kì lạ. Trong
khi, tầm nhìn hướng bắc dường như vấp phải một rào cản khổng
lồ của những dãy tường núi Ải Vân; nhưng, ở bên kia những đỉnh
núi giăng dài, người ta còn nhận thấy được lờ mờ màu xanh tái
của chân trời trùng dương, và, theo các vịnh biển lớn lao, người
ta dự đoán những bãi cát xa xa, tận bên kia, trong vùng cận
Huế, những đầm phá lặng yên.

Phía đông, nhìn tổng thể, mở ra một khung cảnh vô tận.


Thế đất của bản đồ trải dài theo đồng bằng tỉnh Quảng Nam,
các cảnh vật tự hiện dần trong ánh thái dương nghiêng chếch.

Thoạt tiên, ngay dưới chân, những dãy núi giảm dần trong
cái lòng chảo của Phú Thượng, những thôn xóm li ti và cái chấm
sáng mỏng manh, ấy là ngôi giáo đường trắng toát nhô lên. Và
đằng kia, châu thổ Cu Đê với cửa sông thu nhỏ của nó; vịnh Đà
Nẵng vạch một đường cong mênh mông, bao bọc bởi cát kéo
dài đến tận dãy núi Tiên Chà lồ lộ toàn phần.

Biển khơi lặng yên, mọi người tham dự vào cuộc sống náo
nhiệt của con vịnh ấy, nhộn nhịp những đoàn thuyền đến từ các
làng chài ở Hóa Ổ Thanh Khê và những làng khác gần Đà Nẵng.

Những con thuyền chấm những điểm đen do ánh sáng ban
mai chiếu lung linh khiến người ta không phân biệt được rằng
chúng nằm trên mặt biển hay ở trên không trung.

Về đêm, sự yên tĩnh bao trùm khắp đồng bằng, kéo theo
cái mê hoặc dan díu của nó. Tối tăm lần lượt lan toả, đưa từng
cảnh vật vào sự yên nghỉ.

Cuộc sống về đêm lại xuất hiện trong các làng mạc tỏ rằng
chòm xóm mất ánh sáng trước khi đi ngủ, vệt sáng dài của
thành phố Đà Nẵng hiện lên; một đốm lửa rừng có thể ném cơn
hoả hoạn của nó lên một sườn núi xa xa nào đó; không một
tiếng động, ngoại trừ tiếng dế đâu đó hoặc tiếng rền rĩ buồn
thảm của một đàn ve sầu (3).

Năm 1922, A.Sallet xin giải ngũ để toàn tâm toàn ý vào
hoạt động văn hóa và bảo tàng. Năm 1926, ông được Trường
Viễn đông Bác cổ cử trông nom kiểm soát việc xuất cảng những
tác phẩm nghệ thuật của xứ Đông Dương, rồi sau đó, giữ chức
quản thủ Phân viện bảo tàng cổ vật Đông Dương tại Đà Nẵng,
sau này trở thành bảo tàng Chàm.

Chính thời gian này, A.Sallet đã nỗ lực tìm kiếm các di chỉ,
di tích xưa của người Chăm trên đất Quảng Nam. Chính ông đã
khám phá, tại Thiên Sơn, một văn khắc chạm vào chân đá ven
bờ sông Thu Bồn. Văn khắc bị chôn vùi trong một bãi cát, một
trận lũ quét đã xói cát trôi đi và minh văn phơi bày ra khi nước
rút cạn xuống.

Louis Finot đã nghiên cứu, cho biết văn minh ấy xác chứng
câu trả lời văn khắc của bi ký Cambhuvarman ở Mỹ Sơn (BEFEO
III, 206) và lời hứa xây dựng đền Cambhuvannan, nó cho phép
bổ sung một nhân danh bị hủy hoại trong hai văn khắc đầu tiên,
trước đó, hơn thế nó còn mang lại một chỉ dẫn quan trọng về
địa hình học (topographie).

Tháng 6 năm 1926, A.Sallet được Viện Viễn đông bác cổ


Pháp ủy quyền cấp giấy chứng nhận chỉ danh đối với những cổ
vật chưa được đăng ký.

Ông đưa vào Bảo tàng một điêu khắc nhỏ bằng sa thạch
thuộc trường phái nghệ thuật Shiva, và cánh tay trước bên trái
của một tượng thần, bàn tay cầm một búp sen, cả hai được tìm
thấy trong văn phòng của một cơ quan hành chính.

Năm 1929, ông chỉ dẫn nhiều địa điểm khảo cổ mới cần
khai quật nằm chung quanh di chỉ Hương Quế (Quế Sơn - Quảng
Nam).

Đọc “Lưu dấu Chàm trong truyền thống dân gian và tín
ngưỡng của người An Nam tại Quảng Nam”, người đọc không
thể không khâm phục khả năng đam mê nghiên cứu của
A.Sallet, sự mẫn cảm và tấm lòng hoài cổ của ông mà Philippe
Stern đã nhận xét: “Tôi có thể nói rằng, theo tôi, nhiều người đã
chứng tỏ nhất trí về lòng nghĩa hiệp của A.Sallet đối với nỗi đau
của nhân loại”.

Còn Lydia và Jean Pierre Raynaud thì thâm cảm A.Sallet


một cách sâu xa: “Cuộc sống ấy (A.Sallet) như là một người
luôn đi tiên phong, một tinh thần ham hiểu biết, luôn luôn tỉnh
thức, một con người nghĩa hiệp mang cái kiến thức y học và sự
đam mê tìm tòi khám phá những chân lý của loài người, những
sự thật phức tạp nhất và bí ẩn nhất có thể nắm bắt được trong
cái xứ Trung Kỳ vào đầu thế kỷ XX” (4).

Từ 1920, trong niên giám của nhà thờ chính tòa Đà Nẵng,
người ta đã đọc thấy trong “Sổ rửa tội” (Liber Baptizatorum) có
ghi tên tuổi và chữ thủ ký của A.Sallet và hai người con gái của
ông là Jacqueline Sallet và Monique Sallet.

Trên góc trang sổ 1920 ấy, có dòng chữ “ cưới ở La


Souterraine tại giáo xứ Limoges ngày 8 tháng 9 năm 1917 với
Jean Louis André Fayolle" (mariée à La Souterraine diocèse de
Limoges le 8 septembre 1917 avec Jean Louis André Fayolle).

Như vậy, tín ngưỡng của A.Sallet là đạo Thiên Chúa. Nhưng
đối với một người thông thái như ông, đức tin tôn giáo không
còn đủ ràng buộc trí phán đoán, óc phân tích luận lý của một
nhà khoa học.

Thật vậy, để phản biện những trang sách lệch lạc của cựu
Khâm sứ Trung Kỳ Baille và nhà văn P.Bourde viết về các nhà tu
trên núi Ngũ Hành Sơn, A.Sallet đã cầm ngòi bút khá ngay
thẳng: "Những tâm hồn Kitô giáo chúng ta do thâm nhiễm một
tính di truyền vô thức của một đức tin già cỗi khó hiểu được sự
dụng công kiêu kì và sự hy sinh khắc khổ của những con người
này.

Họ có những nguyện cầu, nghi lễ tôn giáo của họ; cách


sống của họ khá đủ xa lìa những nhu cầu vật chất, và sự thanh
tịnh của họ hầu như khó bị quấy rầy bởi cái cung cách thế tục,
theo đó họ tháp tùng người khách du xa lạ vào các hang động
và điện thờ” (Nos âmes chrétienne ou impréguées d’un
atavisme inconscient de la très vieille foi ont peine à
comprendre le vain labeur et sacrifice stérile de ces êtres. Ils
ont leurs prìeres, leurs rites religieux; leur mode de vie les
dégage assez des besoins matériels, et leur tranquillité est à
peine troublée par le geste vague avec lequel ils accompagnent
aux grottes et aux temples le visiteur étranger) (p.111).(5)

Bằng những dòng chữ ngay tình trên đây cũng như những
đam mê tìm hiểu nghiên cứu các hình thái tín ngưỡng khác
nhau tại xứ sở thuộc địa, đặc biệt với dân tộc Chàm, A.Sallet
thật sự vấp phải một khó khăn từ các nhà lãnh đạo tinh thần
của ông và cả chính quyền thuộc địa.

Năm 1922, ông có lệnh đổi sang Madagascar, một thuộc


địa Pháp ở Phi Châu. Ông từ chối và xin giải ngũ ở lại thành phố
Đà Nẵng, nơi ông trở thành quản thủ Bảo tàng Chàm.

Cuộc sống vật chất của một quân y sĩ giải ngũ không lấy gì
làm sung túc. Nhuận bút của một nhà nghiên cứu không đủ bồi
bổ tấm thân gầy còm người cầm bút. Sức khoẻ ông suy giảm
thấy rõ.

Người ta tìm thấy một bức thư A.Sallet gửi cho bà Gilberte
de Coral Rémusat, người gốc tỉnh Toulouse, lúc bấy giờ đang
công tác tại Bảo tàng Guimet (Paris) phụ trách mảng nghệ
thuật Ấn Độ và Đông Dương; bà Rémusat là nhà khảo cổ học trứ
danh của Trường Viễn Đông Bác cổ, từng một thời lặn lội nghiên
cứu phế tích Chàm ở Quảng Nam, Bình Định và đền Angkor Wat
ở Campuchia.

Do một lời khuyên của bà Rémusat, bác sĩ A.Sallet quyết


định đưa gia đình trở về Pháp, năm 1931.

Tại tỉnh Toulouse, cũng do sự giới thiệu của nữ học giả


Rémusat, A.Sallet được chính quyền thành phố này thâu nhận
và giao ông chỉnh trang bảo tàng Georges Labit, ngày nay trở
thành Bảo tàng nghệ thuật Châu Á lớn thứ hai của Pháp.

Thật không may, vận số đen đủi theo bén gót A.Sallet. Mới
định cư thời gian ngắn tại Toulouse, vợ ông lâm trọng bệnh qua
đời. Năm 1946, sức khoẻ ông thỏn mỏn dần. Ông lui về sống
bên cạnh người chị trong cái thị trấn nhỏ là quê gốc của ông, La
Souterraine, trong dãy núi Creuse, nơi ông trút hơi thở cuối
cùng ngày 7/2/1948, hưởng thọ 70 tuổi.

NHỮNG TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CHÀM TRÀ KIỆU TẠI


BẢO TÀNG GEORGES LABIT

Khi được toà thị chính thành phố Toulouse giao nhiệm vụ
chỉnh trang Bảo tàng Georges Labit, A.Sallet đề nghị cần phải
bổ sung những bộ sưu tập cổ vật mới.

Năm 1936, theo lệnh của Trường Viễn đông Bác cổ, bà bá
tước Coral-rémusat chọn ở Bảo tàng Đà Nẵng năm tác phẩm
điêu khắc thuộc thế kỷ X có nguồn gốc từ Trà Kiệu. Trong số
này có đến bốn kiệt tác của nghệ thuật Chàm.

Trong một thư gửi cho bác sĩ Sallet đề ngày 27/8/1936, ông
J.Manikus thông báo một kiện thùng đồng năm tác phẩm điêu
khắc Chàm đã được gửi từ mũi Padaran (Ninh Thuận-Việt Nam)
ngày 23/8/1936, địa chỉ người nhận là Bảo tàng Georges Labit ở
Toulouse miền nam nước Pháp.

Đó là những điêu khắc Chàm, cái bệ đài chạm trổ “các vũ


nữ” theo phong cách Trà Kiệu mà ngày nay, chúng được trang
trí trưng bày trên những thành tường Bảo tàng Georges Labit ở
Toulouse.

Năm tác phẩm điêu khắc ấy gồm có: một con voi, một sư tử
đứng thẳng, một đầu tượng môn thần Dvârapâla, một đầu sư tử
(?) và một tượng người đang cầu đảo.

Bốn tượng đầu đều lấy từ kho cổ vật ở Đà Nẵng (6), lượng
thứ năm là của ông Gravelle, chủ kho bạc Đà Nẵng. Tất cả đều
đăng ký thuộc cổ vật không xếp hạng, và được lấy từ những
cuộc khai quật Trà Kiệu đem về; chúng hình thành một tổng thể
dính liền nhau.

Về sau khá lâu, ngày 11/5/1970, Bảo tàng Guimet ở Paris


mới ghi danh loạt tượng ấy vào thống kê ký gửi tại Bảo tàng
Georges Labit, kể cả một tác phẩm điêu khắc “người khiêu vũ”.

Những tác phẩm điêu khắc Chàm trưng bày tại Bảo tàng
Labit - Toulouse được đưa ra ánh sáng từ đống đổ nát của một
tường thành ở Trà Kiệu do J.Y.Claeys khai quật tháng 6 năm
1927 (BEFEO.XXVII, 1927:471-473).

Tôi xin chuyển dịch phần khảo tả của tiến sĩ Emmanuel


Guillon về năm tác phẩm điêu khắc ấy, theo hình ảnh và bài
“Nghệ thuật Trà Kiệu tại Bảo tàng G.Labit-Toulouse” của tác giả
in trên bản tin Hội những bạn của Champa xưa (7).

1. Con voi, 4 chân bị gãy, điêu khắc rất hiện thực (dáng
hình cái sọ, thân hình tròn cân đối...) với một đường nét mềm
mại, như hầu hết các trường hợp chạm trổ con voi Chàm, đến
nay người ta còn mù tịt về vai trò của chúng (voi) trong các
ngôi đền.

Không trang sức gì cả, cái vòi quặc đong đưa qua bên trái,
chân trái phía trước có thể nâng nhẹ lên, con vật đặc biệt
nghiêng đầu về một phía. Tư thế này rất hiếm thấy.

Ngoài ra, tư thế đầu (bên phải, hoặc dựng cao lên, hoặc
nghiêng về phía trước) cho phép xếp loại những con voi Chàm
của thời kỳ này. Cho nên, nếu trên tổng thể con voi 43 cm chiều
cao này thể hiện những đặc tính riêng biệt của phong cách Trà
Kiệu (động thái tự nhiên) nó chỉ rõ một nguyên tính đặc biệt nào
đó mà người ta tìm thấy trong hình dáng của cái đầu voi.

2. Con sư tử nhảy lồng lên, có sừng, truyền thống Ấn Độ


thường mô tả như vậy, phỏng theo một ảnh hưởng Java nào đó
Tư thế tấn công, mồm há ra, hai chân trước hình thù nửa tay
nửa chân và chiếc đuôi dựng đứng, điêu khắc này rất phong
cách, và thường bắt gặp.

Một trong những mô hình đẹp nhất được thấy tại Bảo tàng
Cleveland. Niên đại không thành vấn đề. Cái khó, trái lại, chính
là cái yếm trước ngực của nó.

Theo Jean Boisselier, sự vắng bóng của bộ lông, như ở đây,


cắt nghĩa rằng quá trình điêu khắc chưa hoàn tất. Còn theo
Philippe Stern, trái lại, đó là dấu ấn của một tiến trình phong
cách hóa để đạt tới đỉnh cao phong cách của những giai đoạn
thuộc thế kỷ thứ X.

Cái yếm trước ngực sẽ như là cái áo. Sau cuộc tranh biện ấy
(giữa Boisselier và Stern), cho thấy chi tiết dường như phơi bày
hai lý giải cho tiến trình tạc tượng Chàm giữa cuối thế kỷ thứ X
và thế kỷ thứ XII.

3. Người cầu nguyện đứng thẳng, cười, cầm một cánh sen
trước ngực, thể hiện một loạt đặc tính của phong cách Khương
Mỹ (Quảng Nam): mũ trang trí một hàng hoa, váy vạt dài ở
chính giữa và viền nhỏ, gấp nếp về bên phải, thắt lưng rộng, lỗ
tai treo những chiếc vòng xoắn chồng lên nhau. Cuối cùng,
chiếc vòng ngọc nơi cổ như một dấu ấn của giai đoạn nghệ
thuật.

Nụ cười đánh dấu thời đại lớn cổ điển của nghệ thuật
Chàm. Nó thể hiện ở hình dáng đôi mắt, như quả hạnh đào, do
nét mi trông tinh tế, tinh vi đến độ rút gọn gần như chỉ còn thấy
một đường nét, và do sự mềm mại của những lông mi, một
vòng cung mảnh mai được tô điểm. Có thể đây là bộ phận dùng
trang trí cho kiến trúc.

4. Cái đầu của môn thần, dù chỉ còn một mảnh, tượng tròn,
được tìm thấy trong những lần khai quật của ông J.Y.Claeys, là
một trường phái hoàn toàn khác với tác phẩm nói trên.

Đây là một tác phẩm giao thoa. Cái mũ gắn những bông
hoa lớn thuộc phong cách Đồng Dương, nhưng ở đây tổ hợp
nạm ngọc mà chúng tôi vừa nhắc đến. Lông mày nổi hằn lên, và
cau lại, như thể phải có của một người gác cửa để thôi thúc nỗi
sợ hãi.

Cũng vậy, đôi tròng mắt lộ ra và râu móc lòi ra ở hàm trên.
Cái mũi khoẻ khoắn, hầu như tẹt, nhìn nghiêng có vẻ cộc cằn.
Cho nên, nhiều đường nét của tác phẩm này hình như không
phải nằm tại chỗ trong cái tổng thể phát hiện ở Trà Kiệu. Ở đây,
điều gì còn nghe được, đó là phong cách chồng lên nhau, bảo
tồn những nét sống động, những sự tái hiện.

Một chi tiết thể hiện một tiến trình, và có thể dùng để định
nghĩa: những con mắt không nửa khép như các tượng lớn môn
thần ở Đồng Dương, mà chúng mở to ra. Người ta chỉ tiếc sự
vắng bóng cái thân hình của chiếc đầu rất đẹp này.

5. Người khiêu vũ thắt lưng, là phần của một loạt còn là


vấn đề lý giải. Có thể là bộ phận trang trí kiến trúc, là một trong
những phác thảo mĩ miều của các vũ công mà người ta biết
được một số!

Tại Bảo tàng Sài Gòn, có năm tượng vũ công (mục lục
1994, t.56 & 57) trong đó chỉ một tượng (xét ra tầm thường) tay
trái giơ lên trên đầu, còn các tượng kia thì đưa tay phải lên.
Nhưng vũ công thắt dây lưng của thời này tìm được hầu như tất
cả đều đưa tay phải lên.

Người ta có thể nghĩ rằng chúng tạo dáng cân đối. Nhưng
pho tượng điêu khắc vũ công thắt lưng do ông Philippe Stern
đăng tải trong công trình nghiên cứu xuất bản năm 1942 của
ông (hình 59a) thì cánh tay trái lại đưa lên, không thể hiện gì cả
của cùng động tác bàn tay phải (nó thể hiện một ấn quyết) và
tư thế chân trái có vẻ khác lạ.

Hơn thế, tác phẩm kiệt tác này dường như mất hẳn! Ở chỗ
khác của cái chân nhấc lên, sự ẻo lả đối nhau, cánh tay buông
dài xuống thấp, dưới cái đầu gối nhô lên, làm thành những
đường nét khiêu vũ rất thường gặp trong tượng Chàm, và nó
cần được nghiên cứu.

Nhưng cái gì làm thành nét đặc trưng của tượng vũ công
này; ấy là sự điều chế của đôi mắt khiến cho khuôn mặt có vẻ
nhu mì. Một khía rạch nhẹ nhàng nằm vào chỗ mi dưới, và mí
trên hầu như biến mất, chi tiết điêu khắc này khá hiếm, ngay cả
loạt ảnh trong tập này.

Ở chỗ khác, người ta tìm thấy một số lượng vũ công (ít ra là


ba tượng) không phải ở Trà Kiệu mà ở Khương Mỹ (có thể là
trường hợp của tượng vũ công của Bảo tàng G. Labit ở
Toulouse).

(1) A.Sallet, Les montagnes de marbre, BAVH 1924, tr.12, 21, 22.
(2) A.Sallet, Les souvenirs Chams dans te folklore et 1es croyances
Annamite du Quang Nam, BAVH, 1923, tr.202, 228.

(3) A.Sallet, La montagne đe Bana, BAVH 1924, tr.376, 377.

(4) Lettre SACHA no décembre 1997, p.3-4.

(5) A.Sallet, Les montagnes de marbre, BAVH 1924, tr.111.

(6) Độc giả cần nhớ năm 1936, văn hoá bảo tàng đều do chính quyền thuộc
địa quản lý.

(7) Emmanuel Guillon, L’Art de Trà Kiệu au Musée G.Labit de Toulouse in


Lettre SACHA no 2 Décembre 1997, p.5-7.

http://honvietquochoc.com.vn/Nhan-vat/Albert-Sallet-Nha-dan-
toc-hoc-cua-xu-Trung-Ky.aspx

You might also like